Dân sự Hỏi đáp pháp luật

Xác lập quyền trong hợp đồng tặng cho tài sản?

Câu hỏi:

Vì là bạn bè thân thiết nên khi thấy ông C gặp khó khăn ông A đã tặng chiếc xe máy dream mà mình đang đi cho ông C để ông C sử dụng làm phương tiện chạy xe ôm kiếm sống. Tuy nhiên, sau thời gian, ông C đã bán chiếc xe máy này lại cho ông B với giá 10.000.000 đồng. Thấy vậy, ông A liền yêu cầu ông B trả lại chiếc xe vì lý do ông chỉ cho ông C dùng xe để chạy xe ôm không phải để bán. Vậy, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, yêu cầu của ông A có phù hợp hay không?

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 458 Bộ luật dân sự năm 2015 “ Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”, Đối chiếu với tình huống của ông A, do chiếc xe máy của ông A là tài sản pháp luật yêu cầu phải đăng ký quyền sở hữu nên xuất hiện hai trường hợp:

– Trường hợp thứ nhất: Chiếc xe máy đã được ông A đã thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu sang tên cho ông C như vậy hợp đồng tặng cho giữa ông A và ông C đã có hiệu lực. Vì thế, chiếc xe máy đã thuộc quyền sở hữu của ông C nên ông C có toàn quyền định đoạt, bán chiếc xe cho bất kỳ ai. Theo đó, việc yêu cầu đòi lại chiếc xe của ông A là không phù hợp theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

– Trường hợp thứ hai: Chiếc xe máy chưa được ông A đã thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu sang tên cho ông C như vậy hợp đồng tặng cho giữa ông A và ông C vẫn chưa có hiệu lực. Vì thế, chiếc xe máy này vẫn thuộc quyền sở hữu của ông A nên việc ông C bán chiếc xe là không hợp pháp. Theo đó, việc yêu cầu đòi lại chiếc xe của ông A là hoàn toàn phù hợp theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.