Hình sự Hỏi đáp pháp luật

Được quyền từ chối người bào chữa do Tòa chỉ định?

Câu hỏi: Cho hỏi trong các vụ án hình sự nào mà Tòa án chỉ định người bào chữa, người bị buộc tội có quyền từ chối người bào chữa do Tòa chỉ định hay không?

Trả lời:

Tòa án chỉ định người bào chữa trong trường hợp nào?

Căn cứ Khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:

Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

– Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

– Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Như vậy, theo quy định như trên trong trường hợp người bị buộc tội về tội mà khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình, người bị buộc tội không thể tự bào chữa mà không mời người bào chữa thì Tòa án chỉ định người bào chữa.

Người bị buộc tội có được từ chối người bào chữa do Tòa chỉ định?

Căn cứ Điều 77 Bộ luật này có quy định như sau:

– Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:

+ Người bị buộc tội;

+ Người đại diện của người bị buộc tội;

+ Người thân thích của người bị buộc tội.

Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này.

– Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc từ chối.

+ Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

+ Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.

+ Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì người bị buộc tội vẫn có quyền từ chối người bào chữa do Tòa án chỉ định.